Tăng huyết áp là một bệnh mạn tính phổ biến nhất trên thế giới. Mọi lứa tuổi đều có thể mắc bệnh tăng huyết áp nhưng người cao tuổi có tỷ lệ mắc cao hơn.
Theo thống kê, gần ¾ là người có độ tuổi từ 70 trở lên bị tăng huyết áp. Tăng huyết áp nếu không phát hiện sớm, điều trị đúng có thể để lại những hậu quả xấu cho người bệnh.
Những biến chứng đó có ảnh hưởng lớn đến người bệnh, gây tàn phế và trở thành gánh nặng về tinh thần cũng như vật chất của gia đình bệnh nhân và xã hội. Hàng năm chúng ta phải chi một khoản kinh phí rất lớn, tới cả ngàn tỷ đồng để trực tiếp điều trị bệnh và phục vụ những người bị liệt, tàn phế, mất sức lao động do tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, suy tim…
Người bình thường huyết áp dưới 120/ 80 mmHg, được gọi là tăng huyết áp khi chỉ số đo huyết áp từ trên hoặc bằng 140/90mmHg. Tuy vậy, ở người huyết áp bình thường thì trong 1 ngày, đêm (24 giờ), lúc ngủ huyết áp đỉnh sẽ thấp hơn lúc làm việc khoảng 20mmHg, cao hơn đỉnh lúc buổi chiều là 10%.
Có nhiều yếu tố nguy cơ cao có thể dẫn đến tăng huyết áp ở người cao tuổi như bị bệnh tiểu đường, nghiện thuốc lá, nghiện rượu, béo phì hoặc có rối loạn chuyển hóa mỡ máu (cholesterol, tryglicerit), xơ vữa động mạch. Ngoài ra, tăng huyết áp có thể do di truyền, lười vận động, thói quen ăn mặn, căng thẳng trong cuộc sống (stress) ….
Xem thêm: Tác dụng của đông trùng hạ thảo với tim mạch
Phòng tránh bệnh tăng huyết áp
Để phòng ngừa tăng huyết áp cũng như góp phần điều trị bệnh tăng huyết áp. Sau đây là những cách để phòng tránh bệnh tăng huyết áp:
Giảm cân ở người thừa cân hoặc béo phì: Những người béo phì, bụng to (với vòng thắt lưng >85cm ở nữ và >98cm ở nam) cũng có nhiều khả năng bị tăng huyết áp. Vì vậy cần duy trì cân nặng ở mức hợp lý.
Chế độ ăn uống
Tuân thủ chế độ ăn nhiều trái cây, rau. Ăn 3 bữa một ngày, nên tăng cường ăn các loại thức ăn giàu kali như giá đỗ, chuối chín, các loại đậu, khoai sọ, ngô, khoai tây.
Để hạn chế xơ vữa động mạch thì nên ăn thêm các loại thực phẩm có chứa chiều vitamin C, vitamin PP như các loại quả chín (cam, quýt, bưởi, xoài) hoặc ăn nhiều rau (rau dền, rau ngót, rau đay, rau sam).
Vì chất xơ trong rau quả và những loại ngũ cốc thô như: gạo lức, bắp lức, các loại đậu có tác dụng chuyển hóa các chất béo và làm hạ huyết áp. Không dùng nhiều mỡ và chất ngọt, ăn các thức ăn có nhiều chất xơ hòa tan như: đậu xanh quả, các loại đậu hạt, măng…
Hàng ngày nên ăn khoảng 55-85g các chế phẩm từ sữa như phomát, sữa chua…Nên ăn chất béo có nguồn gốc thực vật, các loại dầu thực vật, dầu cá và một số hạt có chất béo như: hạt mè, hạt hướng dương, hạt hạnh nhân.
Thay vì ăn thịt thì nên ăn cá vì trong cá có các loại protein làm giảm huyết áp. Trong 1 tuần nên ăn nhiều cá hơn thịt. Đối với thịt đỏ (thịt trâu, bò, dê, ngựa), nên ăn hạn chế hoặc không ăn.
Hạn chế ăn nhiều thịt gà: Thịt gà chứa hàm lượng dinh dưỡng cao, ăn nhiều sẽ khiến cho cholesterol và huyết áp tăng cao. Do đó, không nên cho rằng thịt gà là thứ bổ dưỡng cho mọi người bệnh, nhất là người cao huyết áp. Người cao huyết áp ăn nhiều thịt gà sẽ làm cho bệnh nặng hơn.
Không nên ăn nhiều protein động vật: Người bị huyết áp cao không nên dùng phủ tạng động vật (như gan, tim, bầu dục…) vì trong quá trình trao đổi, chất này sinh ra độc tố làm huyết áp bất ổn.
Chế độ ăn giảm muối, giàu kali và canxi: Càng ăn ít muối, huyết áp càng thấp. Nhu cầu muối ăn trung bình của một người khoảng 15g/ngày, trong đó có tới 10g sẵn có trong thực phẩm tự nhiên, vì vậy chỉ nên bổ sung thêm một thìa cà phê muối ăn/ngày là đủ.
Hạn chế dùng các loại nước ngọt có ga, các loại bia vì có hàm lượng natri còn cao hơn so với nhiều loại thực phẩm công nghiệp khác. Bột nở, bột nổi, các loại bột làm sủi bọt cũng thuộc nhóm muối gốc natri vì vậy không nên dùng nhiều.
Bỏ những thói quen xấu như hút thuốc,cà phê,chè đặc là biện pháp hữu hiệu nhất để phòng bệnh tăng huyết áp và các bệnh tim mạch. Hạn chế hoặc kiêng uống rượu bia: Nếu dùng thường xuyên một lượng rượu nhỏ sẽ có tác dụng làm giảm các nguyên nhân gây tử vong nói chung và do tim mạch nói riêng, nhưng nếu uống nhiều dễ làm tăng huyết áp.
Chế độ tập luyện thể dục, thể thao:
Nên tập thể dục đều đặn, nhẹ nhàng, không nên tập những động tác mạnh, khó; tùy theo sức và điều kiện của từng người mà lựa chọn hình thức tập cho phù hợp.
Chế độ sinh hoạt và làm việc:
Bảo đảm ngủ đủ giấc, giữ được tâm hồn thanh thản, tránh stress, căng thẳng thần kinh. Các hoạt động thể lực có thể giúp bạn điều đó.
Đối với những người đã mắc bệnh tăng huyết áp cần điều trị liên tục ngay cả khi cảm thấy khỏe, kiểm tra huyết áp định kỳ (có thể sử dụng máy đo huyết áp tại nhà), có sự theo dõi sát sao của thầy thuốc.
Điều chỉnh lối sống để phòng và điều trị bệnh tăng huyết áp là việc hoàn toàn có thể thực hiện ở gia đình, là phương pháp không tốn kém, qua đó giảm được bệnh tật, tử vong và các nguy cơ cho người mới bị tăng huyết áp, là cơ hội tốt để ngăn chặn bệnh tăng huyết áp và các biến chứng của nó.
Kiểm tra huyết áp thường xuyên, nhất là những người có những yếu tố nguy cơ về tim mạch là hết sức cần thiết và quan trọng để phòng bệnh tăng huyết áp và các tai biến do bệnh này gây nên, giảm đáng kể tử vong do tai biến của bệnh tăng huyết áp
Nguồn: Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe Quảng Ninh