Xuyên tâm liên là thảo dược có tính kháng sinh mạnh, kháng viêm, hạ sốt, giảm đau, dùng để chế tạo ra các loại thuốc và các sản phẩm ngâm, tắm để phòng chống các bệnh ngoài da như rôm, sẩy rất hữu hiệu cho trẻ nhỏ.
Tên thường gọi: xuyên tâm liên, công cộng, mảnh cộng, bìm bịp.
Tên gọi khác: cồng cộng, mảnh cộng, hùng bút, nguyên cộng, lam khái liên, cây lá đắng, khô đảm thảo, nhất kiến kỷ, chiretta, kariyat, king of bitters sinta, halviva (Anh), roi des amers (Pháp)
Tên khoa học: Andrographis paniculata (Burm. f.) Nees. (đồng nghĩa với tên Justicia paniculata)
Phân họ: họ Ô rô (Acanthaceae).
Xuyên tâm liên là loài cây nhỏ, có thân vuông, mọc thẳng đứng, phân nhiều cành nhẵn, cao từ 0,3-1m, nhiều đốt. Lá nguyên, mềm, mọc đối, cuống ngắn, phiến lá hình trứng thuôn dài hay hơi có hình mác, mặt trên màu lục sẫm đen, hai đầu nhọn, mặt nhẵn, dài 3-12 cm, rộng 1-3 cm.
Cụm hoa mọc ở kẽ lá và đầu cành thành các chùm thưa. Hoa màu trắng, điểm đốm hồng tím. Đài hoa có 5 răng nhỏ, đều, có lông. Tràng hoa hợp ở phần dưới thành ống hẹp, hình trụ có lông, phần trên loe ra chia 2 môi, môi trên hẹp dài, môi dưới xẻ 3 thùy rộng, đầu nhọn. Nhị 2, đính ở họng tràng, bầu 2 ô.
Quả nang, hẹp, thuôn dài khoảng 15mm, rộng 3,5mm, hơi có lông mịn. Hạt hình trụ tròn, màu nâu nhạt.
Xuyên tâm liên chứa hoạt chất chính thuộc 2 nhóm là glucozid và flavonoid, với hoạt chất được quan tâm nhiều nhất là andrographolide. Hoạt chất chính là andrographolide có tác dụng diệt khuẩn mạnh, hàm lượng andrographolide cao khi mới thu hái, càng để lâu thì hàm lượng hoạt chất giảm làm giảm khả năng diệt khuẩn. Hàm lượng andrographolide ở lá là 2,6% lúc trước khi ra hoa và sau đó giảm dần chỉ còn dưới 0,5%; ở thân là 0,1-0,4%. Ngoài ra người ta cũng tìm thấy 9 dẫn xuất khác của andrographolide trong xuyên tâm liên có giá trị dược lý.
Nhiều các dược chất khác cũng đáng lưu tâm: 7-O-methylwogonin, wogonin, oroxylin A, apigenin-7,4’-dimethyl ether, andrographin, paniculin, mono-O-methylwithin, tritriacontan, hentriacontan, myristic acid, eugenol, carvacrol, cafeic acid, alpha sitosterol, andrographosterin, andrographan, andrographon, paniculid, rhamnose…
Xuyên tâm liên có nguồn gốc từ Ấn Độ và Sri Lanka, được di thực và trồng phổ biến ở Nam Á, Đông Nam Á, miền nam Trung Quốc, sau đó lan đến vùng khu vực Caribe, Trung Mỹ, Australia và châu Phi. Tại Việt Nam, xuyên tâm liên được phát hiện nhiều ở Khánh Hòa, An Giang, Đăk Lăk, tuy nhiên hầu hết các tỉnh của Việt Nam đều dễ trồng loài thảo dược này.
Mùa hoa từ tháng 9 đến tháng 12. Mùa quả vào tháng 1-2. Xuyên tâm liên thuận lợi mọc từ hạt trong khoảng tháng 4 đến đầu tháng 5. Cây sinh trưởng nhanh trong mùa xuân - hè. Khi cây sắp ra hoa, lá nhỏ dần và rụng sớm. Quả xuyên tâm liên lúc già tự mở cho hạt thoát ra ngoài. Hoa xuyên tâm liên nở từ các cành ở phía dưới trước, sau dần lên các cành ở ngọn. Ngược lại, khi xuyên tâm liên vàng úa và tàn lụi lại bắt đầu từ các cành ở ngọn trước.
Xuyên tâm liên là cây ưa sáng, hoặc có thể bị che bóng một phần trong ngày. Cây ưa mọc trên đất ẩm, khi mưa không bị đọng nước. Hạt xuyên tâm liên có tỉ lệ nảy mầm khá cao, từ 70-80%, thường nảy mầm sau 7 ngày kể từ lúc gieo. Khi thu hái hạt để lấy giống cần tiến hành khi cây bắt đầu vàng úa, nếu thu hái chậm thì quả khô sẽ tách ra làm rơi mất hạt.
Bộ phận dùng thích hợp chủ yếu là lá và rễ của xuyên tâm liên. Thời điểm thu hái lá là khi cây bắt đầu ra nụ. Thời điểm thu hoạch toàn cây là khi cây bắt đầu nở hoa, thường là khoảng 80-90 ngày sau khi gieo trồng. Có thể dùng tươi hoặc thái nhỏ rồi phơi/ sấy khô để dùng dần.
Xuyên tâm liên có vị đắng, tính hàn, có tác dụng thanh nhiệt, lương huyết, giải độc, tiêu thũng, giảm đau, được dùng chữa vết thương, tẩm gạc đắp vết thương hoặc làm dịch nhỏ giọt rửa vết thương; chữa viêm họng, viêm phế quản, lị cấp (nước sắc Xuyên tâm liên cùng với bồ công anh, sài đất…).
+ Kháng sinh mạnh: Xuyên tâm liên có tính kháng sinh mạnh đối với nhiều loài vi trùng. Thảo dược này còn làm tăng khả năng thực trùng của bạch cầu. Xuyên tâm liên có tác dụng ức chế các chủng vi khuẩn Staphylococcus aureus (đa bệnh), Bacillus subtilis, Shigella shigae, Shigella dysenteriae (2 loài gây bệnh lỵ trực khuẩn và viêm dạ dày ruột) và Mycobacterum tuberculosis (gây bệnh lao).
Trong điều trị lao phổi, so sánh công thức IPS (INH, pyrazinamid, streptomycin trong 3 tháng), công thức IPP (trong đó viên Panilin bào chế từ xuyên tâm liên thay cho streptomycin) và công thức ISP (Panilin thay cho pyrazinamid) có kết quả tương tự nhau.
+ Tác dụng kháng viêm: viêm xoang là nhóm bệnh chứng được nghiên cứu nhiều nhất về hiệu quả điều trị của xuyên tâm liên, chẳng những thế mà các triệu chứng đi kèm với viêm xoang đều giảm đáng kể. Sử dụng 6g bột lá xuyên tâm liên hàng ngày cũng giúp cải thiện tốt tình trạng viêm họng.
Qua các thử nghiệm lâm sàng, xuyên tâm liên cho thấy kết quả tốt ở gần 80% trường hợp viêm phế quản mạn, giảm ho, giảm khối lượng đàm, số ngày ho khạc mỗi đợt ít đi, khoảng cách giữa các đợt viêm xa hơn, bớt cả tức ngực, khó thở. Đối với viêm phế quản cấp, chủ yếu ở trẻ em, thời gian lành bệnh rút ngắn hơn và giảm tần suất xuất hiện đợt cấp.
+ Tác dụng hạ sốt: Những tình trạng bệnh lý viêm cấp tính tai mũi họng, bệnh lý viêm đường hô hấp thường có đi kèm với sốt đều được giải quyết tốt bằng xuyên tâm liên trên các nghiên cứu lâm sàng.
+ Công năng giảm đau: Xuyên tâm liên có tác dụng giảm đau tương tự aspirin nhưng không gây tác dụng phụ xuất huyết tiêu hóa như aspirin.
+ Giúp hạ huyết áp: xuyên tâm liên là một trong số ít thảo dược có tác dụng hạ huyết áp thông qua con đường ức chế men chuyển angiotensin, đồng thời đi kèm với tác dụng bảo vệ thận, giảm một số gốc tự do trong thận. Hiệu quả hạ áp của xuyên tâm liên không những cao và an toàn khi dùng lâu dài mà còn đến sớm, do đó cần được tiếp tục nghiên cứu để phát triển dòng thuốc hạ áp từ xuyên tâm liên dùng trong cấp cứu, hiện nay khi tiêm tĩnh mạch có thể bắt đầu hạ áp sau 10-20 giây (tác dụng này người dân không được ứng dụng tại nhà).
+ Cải thiện tình trạng xơ vữa mạch máu và bệnh mạch vành: Cao xuyên tâm liên làm giảm bớt đáng kể tình trạng hẹp lỗ động mạch do xơ vữa, mang đến vai trò quan trọng trong dự phòng tái phát tái phát hẹp sau tạo hình mạch vành, thường là 30-40%. Xuyên tâm liên có tác dụng bảo vệ rõ rệt đối với thiếu máu cục bộ cơ tim có thể hồi phục. Cao chiết flavon từ rễ xuyên tâm liên cũng có tác dụng tăng tổng hợp PG 12, ức chế sản sinh thromboxan À, kích thích tổng hợp adenosin monophosphat vòng ở tiểu cầu, ngăn cản sự ngưng kết tập tiểu cầu, do đó dự phòng sự tạo thành cục huyết khối và sự phát triển của nhồi máu co tim.
+ Bảo vệ gan, hạ men gan: xuyên tâm liên có tác dụng chống lại sự nhiễm độc gan, tăng tiết mật, chống ứ mật, tăng khả năng sống của tế bào gan, làm bình thường hóa các chỉ số biến đổi của các loại men gan GOT, GPT và phosphatasa kiềm, các tác dụng này tốt hơn thuốc silymarin (một thuốc bảo vệ gan đã được biết rõ).
+ Chống tiêu chảy và bảo vệ dạ dày: trong xuyên tâm liên có các hoạt chất diterpen andrographolid và neoandrographolid giúp kháng tiết mạnh đối với sự tiết dịch gây ra bởi độc tố của vi trùng Escherichia coli tại ruột. Ngoài ra các hoạt chất này còn giúp bảo vệ niêm mạc dạ dày, chống tiết nhiều acid và chống loét.
+ Lợi tiểu: xuyên tâm liên có tác dụng lợi tiểu mạnh gấp 3 lần một loại thuốc lợi tiệu thông dụng là furosemid.
+ Hạ đường huyết.
+ Một số tác dụng khác: diệt giun đũa, chống sốt rét Plasmodium berghei, kháng vius gây suy giảm miễn dịch ở người HIV (hiệu quả diệt trừ HIV đến rõ từ ngày thứ 4), chữa ký sinh trùng Leptospira, tăng số lượng bạch cầu ở người suy giảm miễn dịch.
Do tính kháng khuẩn cao, xuyên tâm liên có tác dụng hiệu quả trong việc phòng bệnh ngoài da, diệt rôm sẩy. Tại một số tỉnh miền Trung Việt Nam, người ta dùng cây này làm thuốc bổ cho phụ nữ sau khi sinh đẻ xong bị ứ huyết, đau nhức tê thấp, kinh nguyệt bế tắc, nhọt ở hai bên cổ.
Tại Ấn Độ và Trung Quốc, người ta chứng minh được tác dụng của xuyên tâm liên trong việc điều trị bệnh viêm gan.
Ở một số nước như Thái Lan, Campuchia xuyên tâm liên còn được dùng để chữa rối loạn kinh nguyệt, vô kinh, lậu, ho gà, tăng huyết áp, bệnh gan…
Các thầy thuốc ở châu Âu và Bắc Mỹ dùng xuyên tâm liên để giúp giảm đau khớp và các viêm nhiễm khác, chống đông máu, phá cục máu đông, kháng virus HIV, lợi mật và bảo vệ gan, phòng ngừa xơ hóa và ung thư hóa.
Tại Việt Nam, các nhà nghiên cứu về thuốc Nam còn sử dụng xuyên tâm liên như một thành phần để chế tạo ra các loại thuốc và các sản phẩm ngâm, tắm để phòng chống các bệnh ngoài da như rôm, sẩy rất hữu hiệu cho trẻ nhỏ, phòng chống sốt rét hay như một thứ thuốc bảo vệ da một cách hết sức tự nhiên do có khả năng kháng khuẩn.
Xuyên tâm liên cũng có thể dùng chữa bệnh cho gia súc, gia cầm: sốt, bệnh phổi, tiêu chảy, lỵ, bệnh toi gà...
Liều dùng: 10-20g toàn câu nếu sắc uống, 2-4g mỗi ngày nếu đã tán bột (chia làm 2-3 lần dùng trong ngày). Có thể dùng ngoài da bằng cách giã nát ra đắp, nấu nước rửa hoặc chế thuốc mỡ để bôi, không tính liều lượng.
+ Chữa nứt xương, hoặc gãy xương đã cố định: Lấy lá xuyên tâm liên tươi, xào nhanh trên chảo với thật ít dầu và nước, khi lá vừa tái màu thì lấy ra, chờ nguội, bó vào chỗ gãy xương, nứt xương. Xương sẽ mau tái tạo và lành lặn.
+ Rượu bổ: Rễ cây xuyên tâm liên 200g, phơi khô, tán nhỏ, Lô hội 30g, cho vào bình chứa 1 lít rượu 40 độ, ngâm trong vòng 1 tuần là có thế sử dụng. Mỗi ngày dùng 1 chén nhỏ trong những trường hợp kém ăn, yếu mệt.
+ Chữa viêm họng, viêm vòm miệng: dùng vài ba lá xuyên tâm liên nhai giập và ngậm.
+ Điều trị ho do lạnh: Xuyên tâm liên 12g, Cam thảo 8g, Tang bạch bì 10g, Địa cốt bì 10g. Tất cả cho vào nồi, đổ 3 bát nước, sắc còn 1 bát, chia làm 2 bát uống trong ngày, uống lúc còn ấm, sử dụng trong 5 ngày.
+ Điều trị đau đầu, cảm mạo: Xuyên tâm liên phơi khô, tán thành bột mịn, sử dụng 2g pha bằng nước ấm dùng trong 5 ngày, sau đó ăn cháo nóng.
+ Chữa lỵ cấp tính, viêm dạ dày, viêm ruột, cảm sốt do sưng tấy: Xuyên tâm liên 12g, Kim ngân hoa 12g, Sài đất 16g, sắc uống.
+ Điều trị nhọt, rôm sảy, lở ngứa: Lá xuyên tâm liên tươi một nắm giã nát với rượu, dùng để xoa bóp hay đắp tại chỗ. Kết hợp uống thuốc sắc : Sài đất, Kim ngân hoa, Lá tre, Bèo cái, Lá trắc bá, mỗi thức một nắm nhỏ sắc đặc uống hàng ngày trong vòng 1 tháng, dùng đến khi khỏi.
+ Hỗ trợ chữa viêm phế quản, sưng amydal: Xuyên tâm liên, Huyền sâm, Mạch môn mỗi thứ 12g, Cam thảo, Vỏ quýt để khô mỗi thứ 4g. Sắc đặc chia làm 3 lần uống trong ngày, dùng khoảng 9 ngày.
+ Điều trị viêm xoang mãn, viêm phổi: Xuyên tâm liên 15 g, Củ bách bộ 10 g, Củ mạch môn khô 10g, Kim ngân hoa 10g. Dùng 1 lít nước để đun uống trong ngày, dùng liên tục trong một tuần.
+ Ở Ấn Độ: để chữa ho gà, cho trẻ uống mỗi lần một thìa cà phê bột nhão bào chế từ rễ xuyên tâm liên và thân rễ gừng gió, trọng lượng bằng nhau, ngày 3 lần, trong 2 tuần. Lá khô xuyên tâm liên cùng với tỏi được tán thành viên hoàn to bằng hạt đậu Hà Lan, uống mỗi ngày một viên, ngày 3 lần, dùng trong 3-7 ngày chữa sốt rét. Xuyên tâm liên còn được dùng trong phương thuốc cổ truyền Ấn Độ để chữa rụng tóc ở dạng thuốc sắc uống.
+ Ở Nepal, để trị áp xe, người ta dùng một nắm lá bánh tẻ xuyên tâm liên và một ít muối, giã ra rồi trộn với nửa cốc nước, gạn lấy dịch nổi bên trên và uống 1 lần mỗi ngày, bã đắp lên chỗ áp xe.
+ Bài thuốc điều trị viêm gan, viêm gan siêu vi: bài thuốc gồm cao Xuyên tâm liên, cao Cốt khí tía, cao Nhọ nồi, cao Mộc hoa trắng, cao Diệp hạ châu, cao Fumaria parviflora, cao dây Thần thông, Cam thảo (liều dùng từng loại tùy vào tình hình lâm sàng của người bệnh theo quyết định của bác sĩ), có tác dụng ngăn chặn sự tái bản, sinh sôi và nhân lên của virus viêm gan, đồng thời giúp giải độc, phục hồi tế bào gan bị tổn thương, bảo vệ tế bào gan.
+ Bài thuốc điều trị viêm gan siêu vi B: Diệp hạ châu - Xuyên tâm liên - Bồ công anh - Cỏ mực theo tỉ lệ 4:1:1:1 sắc uống. Theo y học cổ truyền, bài thuốc dựa trên đặc tính thanh nhiệt lợi thấp của Diệp hạ châu, thanh nhiệt - giải độc - lợi mật của Xuyên tâm liên, thanh nhiệt - giải độc của Cỏ mực và Bồ công anh. Theo dược lý y học hiện đại, bài thuốc dựa trên tác dụng kháng HBV của Diệp hạ châu kết hợp tác dụng kháng viêm, giải độc của Xuyên tâm liên, cỏ mực, và bồ công anh. Bài thuốc cũng làm tăng hiệu quả điều trị của Lamivudine đã minh chứng lâm sàng.
Không dùng cho phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú. Sản phụ không nên tự ý dùng thảo dược này khi chưa có chỉ định của thầy thuốc.
Hiện nay chưa ghi nhận tác dụng ngoại ý trên đối tượng trẻ nhũ nhi. Tuy nhiên, cần thận trọng khi dùng cho trẻ nhũ nhi vì chưa có minh chứng khoa học về tính an toàn của thảo dược này trên trẻ nhũ nhi, cần tham khảo ý kiến thầy thuốc có chuyên môn về lĩnh vực này trước khi dùng.
+ Đàn ông hiếm muộn, mong con;
+ Phụ nữ có thai và đang cho con bú;
+ Bệnh nhân bị mất nước;
+ Bệnh nhân bị giảm thể tích máu;
+ Bệnh nhân bị tắc nghẽn đường tiểu (trường hợp thiểu niệu);
+ Bệnh nhân bị suy thận do thuốc;
+ Người dùng quá mẫn cảm với các thành phần của thuốc;
+ Trường hợp người dùng bị bệnh não do gan;
+ Người bị hôn mê gan.
Theo đông y, những người tỳ vị hư hàn không nên dùng.
Ức chế hoạt động sinh dục và thai kỳ: lá xuyên tâm liên dùng trong vòng 2 tháng có khả năng gây ức chế sự sinh tinh trùng và kháng androgen. Xuyên tâm liên gây sẩy thai.
Khi dùng cho phụ nữ có thai và cho cho con bú cần chú ý về độ an toàn vì hiện chưa có nghiên cứu đầy đủ để kết luận độ an toàn của xuyên tâm liên cho phụ nữ có thai và cho con bú. Bạn có thể dùng cho trẻ nhỏ dưới sự theo dõi của bác sĩ.
Nếu bạn đang sử dụng thuốc chống đông máu, thuốc làm giảm huyết áp và các thuốc kháng tiểu cầu, xuyên tâm liên có thể làm tăng tác dụng của thuốc này.
Xuyên tâm liên có chất chống oxi hóa và có thể làm giảm tác dụng của một số lại thuốc hóa trị liệu, sử dụng trong thời gian dài có thể làm giảm tác dụng của thuốc ức chế miễn dịch..
Cần làm khô thảo dược bằng máy sấy hoặc ánh nắng mặt trời, sau đó cho vào hủ thủy tinh, đậy kín, tránh ánh sáng. Có thể cho vào một viên vôi sống để hút ẩm. Nếu bạn không phải là thầy thuốc thì không nên lưu trữ thuốc tại nhà quá 10 ngày. Nếu bạn buộc phải lưu trữ thảo dược tại nhà lâu hơn, cần kiểm tra chúng hàng tuần, nếu phát hiện mối mọt, ẩm mốc, biến đổi màu sắc, mùi vị thì cần loại bỏ ngay.
Nguồn: Alobacsi.com